Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV là kỳ họp đổi mới, linh hoạt của Quốc hội và để lại nhiều dấu ấn quan trọng, nhất là công tác lập pháp. Đây cũng là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết của Quốc hội (trong đó 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, đặc biệt là nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để giúp cho việc thực thi chính sách pháp luật tốt hơn), chưa kể các phiên thảo luận, lần đầu cho ý kiến 11 dự án luật khác liên quan đến các vấn đề "nóng" trong xã hội.
Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội cho phép 4 luật (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng) đã được thông qua tại các kỳ họp trước, có hiệu lực sớm hơn - từ ngày 1/8/2024. Điều này thể hiện sự linh hoạt của Quốc hội trong việc mạnh dạn thay đổi để đáp ứng yêu cầu cuộc sống theo kiến nghị của cử tri, các doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Chính phủ cần quyết sách, Quốc hội sẵn sàng điều chỉnhTrao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên hành lang Quốc hội ngay sau phiên bế mạc kỳ họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh), bày tỏ vui mừng kỳ họp thứ 7 đã thành công như kỳ vọng.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Kỳ họp thứ 7 đã để lại trong ông rất nhiều cảm xúc. Điều đại biểu ấn tượng nhất là việc Quốc hội đã thông qua rất nhiều luật và nghị quyết, chưa kể các phiên thảo luận sôi nổi, trách nhiệm và lần đầu cho ý kiến đối với 11 dự án luật khác. Điều này thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội với đất nước, nhất là công tác lập pháp.
Ngay từ những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV cũng đã có cách làm phù hợp và thể hiện rõ tinh thần "Quốc hội đồng hành cùng cuộc sống, đồng hành cùng Chính phủ," thể hiện qua việc Quốc hội tăng cường thêm nhiều buổi họp cũng như điều chỉnh nội dung chương trình - như kỳ họp rất dài này. Điều này cho thấy công tác lập pháp của Việt Nam đã được xuyên suốt một cách có trọng tâm.
Đáng chú ý, một số luật đã được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp trước (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng), lần này tiếp tục được Quốc hội cho phép điều chỉnh theo hướng phù hợp với tình hình thực tiễn mà cử tri mong đợi.
“Chúng ta đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm như khi luật ban hành xong, phải chờ một thời gian mới đi vào cuộc sống. Do đó, quá trình xây dựng luật gần đây cho thấy bên cạnh dự thảo luật, còn có thêm các dự thảo nghị định, thậm chí các quyết định và thông tư. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc luật sớm đi vào cuộc sống,” đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự tin tưởng.
Đại biểu Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước)Có chung quan điểm, đại biểu Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) cho rằng chương trình Kỳ họp thứ 7 này được điều chỉnh nhiều cho thấy sự linh hoạt, năng động của Quốc hội. Điều này cũng khẳng định Quốc hội rất chia sẻ và đồng hành cùng Chính phủ. Những gì Chính phủ cần quyết sách của Quốc hội theo luật thì Quốc hội mạnh dạn thay đổi và sẵn sàng điều chỉnh họp để bổ sung, kể cả họp bất thường, để đáp ứng yêu cầu cuộc sống.
Đại biểu Lý Thị Lan - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cũng nhấn mạnh công tác lập pháp trong Kỳ họp thứ 7 là một dấu ấn đặc biệt của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.
Thực tế cho thấy mặc dù khối lượng công việc lập pháp tại kỳ họp này rất lớn, song các cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã rất tích cực, chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đầy đủ và đặc biệt là về vấn đề thời gian trình các hồ sơ dự án luật này đã đảm bảo được theo đúng quy định định của pháp luật.
"Tại Kỳ họp thứ 7 này đã bàn thảo và thông qua 11 luật có tác động rất lớn đến chính trị, đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, người dân. Các đại biểu Quốc hội với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm và thẳng thắn cũng đã dành nhiều thời gian, trí tuệ, trách nghiệm để nghiên cứu từng dự án luật và cũng góp ý, phát biểu thẳng thắn tại các phiên thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường," Đại biểu Lý Thị Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan cũng ghi nhận sự đóng góp của các cơ quan truyền thông đối với việc xây dựng pháp luật của Quốc hội. Các cơ quan truyền thông đã rất kịp thời phản ánh đúng diễn biến tại nghị trường của Quốc hội và phản ánh đúng thông tin của Quốc hội để cử tri theo dõi, quan sát và qua các kênh truyền thông để có phản ánh ý kiến của mình. Đây cũng là kênh để các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội tham khảo thêm thông tin, kịp thời nắm bắt được những ý kiến của cử tri để tiếp tục tham gia vào các dự án luật.
"Trên cơ sở đó, các cơ quan soạn thảo tổng hợp ý kiến và khẩn trương tiếp thu, giải trình. Các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đã chuẩn bị tích cực, khẩn trương bắt tay ngay vào công tác thẩm tra, tổ chức các cuộc họp đồng thời có sự thay đổi, điều chỉnh liên tục các cuộc họp để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống xây dựng pháp luật và đáp ứng được đúng theo yêu cầu thực tiễn đang đòi hỏi," đại biểu Lý Thị Lan chia sẻ thêm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) Áp dụng nhiều cơ chế đặc thù giúp thực thi chính sách tốt hơnChia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh mỗi một kỳ họp đều là dịp mà cử tri muốn gửi gắm thông tin từ thực tiễn tới Quốc hội. Do vậy thông qua kỳ họp, cử tri mong muốn và chờ đợi các quyết sách được thông qua sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết thời gian qua, do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều chính sách trong hệ thống pháp luật chưa kịp thời được thay đổi. Do đó tại kỳ họp này, ngoài sửa luật, Quốc hội cũng đã quyết định cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù làm thí điểm để giúp cho việc thực thi chính sách pháp luật tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng lưu ý rằng không phải sử dụng các cơ chế đặc thù để thay cho hệ thống pháp luật mà chỉ giải quyết trong giai đoạn mà hệ thống chính sách pháp luật chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ thực tiễn đòi hỏi, để giúp đỡ cho các doanh nghiệp, cơ quan thực hiện tốt hơn.
" Theo tôi, đây là giải pháp để giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua - khi chúng ta vừa trải qua giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều này cũng là cách thể hiện tinh thần Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vì sự phát triển của đất nước,” đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Dẫn chứng từ Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An hay Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết trước khi Quốc hội thông qua, các chính sách này đã được Chính phủ trình, các đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý trách nhiệm và được các cơ quan thẩm tra của Quốc hội thẩm định kỹ lưỡng.
“Tôi cho rằng việc chúng ta áp dụng chính sách đặc thù ở các địa phương có tính chất kết nối liên vùng, kết nối với quốc tế thì những chính sách đó sẽ mang lại giá trị hiệu quả rất thiết thực,” đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng lưu ý việc Quốc hội thông qua một chủ trương, cơ chế đặc thù thì cần phải có thời gian để kiểm định, đánh giá. Vì thế, bản thân các đại biểu Quốc hội khi đã bấm nút thông qua cũng cần phải tiếp tục giám sát để xem xét cơ chế chính sách đó có phát huy hiệu quả hay không.
“Đã là cơ chế đặc thù thì phải có tổng kết, đánh giá. Khi tổng kết, đánh giá, nếu thấy không phù hợp thì phải có đề xuất, kiến nghị dừng lại; nếu cơ chế đặc thù phát huy hiệu quả thì cần phải thể chế hóa trong các quy định của pháp luật, các bộ luật có liên quan. Có như vậy thì hệ thống pháp luật mới đồng bộ và phát triển bền vững,” đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nói và cho rằng trong thời gian tới, Quốc hội cần tiếp tục rà soát, chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát các yêu cầu trong tất cả các nghị quyết.
Cùng quan tâm tới nội dung trên, đại biểu Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên thường trực Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) cho rằng khi đã dùng chữ “đặc thù” thì không nên đặc thù hóa trên cả nước, mà cần phải trọng tâm, trọng điểm, mang tính thí điểm. Nếu thí điểm không kịp thời, không đúc rút những cái tốt để nhân rộng và không khắc phục ngay những cái yếu kém thì sẽ không có bài học về đặc thù để ưu tiên áp dụng.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Ủy viên thường trực Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus sau kỳ họp. (Ảnh: PV/Vietnam+)“Vì thế, những địa phương đã được Quốc hội cho phép cơ chế đặc thù cần phải triển khai thật tốt, vướng ở đâu cần phải phản ánh ngay, không thể cơ chế chính sách do mình xin nhưng đến lúc được rồi lại ngồi kêu khó. Như Thủ tướng từng nói bây giờ phải làm, kêu ít thôi, vướng đâu cùng tháo gỡ, phản ánh kịp thời, cùng nhau phối hợp để xử lý mới hiệu quả được,” đại biểu Nguyễn Chu Hồi nói.
Hiện thực hóa chính sách, sớm đưa luật vào cuộc sốngĐể đưa luật, nghị quyết đi vào cuộc sống và sớm phát huy hiệu quả như kỳ vọng của cử tri, các đại biểu Quốc hội, đại biểu Vũ Ngọc Long (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) cho biết chất lượng làm luật của Quốc hội gần đây càng ngày càng sát thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Theo đại biểu, trước đây có một số dự án luật đã được Quốc hội thông qua nhưng chậm đi vào cuộc sông do chờ nghị định hay ban hành nhưng chưa phù hợp. Tuy nhiên, gần đây quy trình làm luật đã “chuẩn” và Quốc hội cũng đòi hỏi Chính phủ phải chuẩn bị rất kỹ như việc yêu cầu báo cáo tổng kết nếu sửa đổi, đánh giá tác động cũng như phải có các nghị định kèm theo dự án luật đệ trình.
Cùng với đó là sự linh động của Quốc hội trong việc chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ để đưa được chính sách đi vào cuộc sống” và tháo gỡ nhanh nhất các "nút thắt" nhằm sớm phục hồi kinh tế-xã hội, đảm bảo mong mỏi của cử tri, nhân dân cả nước.
“Đơn cử như việc Quốc hội cho phép đôn 4 luật (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng) có hiệu lực sớm hơn 5 tháng theo đề xuất của Chính phủ, cũng như kiến nghị của cử tri là rất đánh hoan nghênh. Nói 5 tháng có vẻ không dài nhưng khối lượng công việc mà Chính phủ và Quốc hội cần làm trước khi các luật có hiệu lực thi hành là rất lớn. Điều này thể hiện sự linh hoạt của Quốc hội trong việc mạnh dạn thay đổi để đáp ứng yêu cầu cuộc sống theo kiến nghị của cử tri, các doanh nghiệp, nhân dân cả nước,” đại biểu Vũ Ngọc Long chia sẻ.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên thường trực Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) nhấn mạnh trong kỳ họp này, chương trình của kỳ họp đã nhiều lần được thay đổi để đáp ứng được tình hình thực tiễn mà cửa tri, nhân dân cả nước quan tâm. Điều này cho thấy Quốc hội đã rất linh hoạt trong khâu điều hành, tổ chức để hướng tới chất lượng của các các quyết sách.
Các văn bản pháp luật, nghị quyết cũng được Quốc hội bàn thảo kỹ và các đoàn đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia góp ý từ sớm, từ xa thông qua việc gửi văn bản phản hồi chính thức. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng thông tin đầu vào là vô cùng quan trọng để cơ quan soạn thảo tiếp thu và kịp thời sửa chữa, chính sách hóa văn bản.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng lưu ý việc quan trọng nhất hiện này là làm sao để các quyết sách theo kịp “hơi thở cuộc sống” và phát huy được hiệu quả.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại biểu Quốc hội chụp ảnh tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Dẫn ví dụ từ việc Quốc hội cho phép 1 luật để sửa đổi 4 luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng), thời gian hiệu lực sẽ sớm hơn 5-6 tháng so với quy định ban đầu, nhưng nếu không chuẩn bị tốt, không quyết liệt để ban hành kịp thời các văn bản dưới luật thì quá trình luật đi vào cuộc sống cũng sẽ chậm. Do đó sự chỉ đạo quyết liệt là rất quan trọng.
“Hơn thế, để luật đi vào cuộc sống thì cần phải hiện thực hóa chính sách, chứ không phải chỉ cụ thể hóa. Cụ thể hóa làm cho nó kỹ hơn, chi tiết hơn thì dễ, nhưng làm sao hiện thực hóa để mang lại những tác động mạnh tới xã hội. Lúc đó cử tri và nhân dân cả nước mới cảm nhận được giá trị của chính sách. Bên cạnh đó là cần phải có sự phối hợp liên ngành,” đại biểu Nguyễn Chu Hồi phân tích.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng nhấn mạnh để chính sách phát huy hiệu quả thì bên cạnh phối hợp theo cấu trúc ngang, còn phải chỉ đạo theo cấu trúc dọc bằng cách phân cấp mạnh để phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương.
“Tuy nhiên, nếu phân cấp mạnh mà thiếu độ mở của cơ chế, chính sách phù hợp, cũng chỉ là sự chuyển giao nhiệm vụ cho cấp dưới và cấp dưới cũng sẽ ‘bó tay’ nếu như không có độ mở chính sách phù hợp với tình hình địa phương. Vì thế, việc sâu sát theo chỉ đạo của Chính phủ trên cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương và thương xuyên trao đổi để có thông tin hai chiều sẽ phát huy hiệu quả được sớm hơn. Như thế mục tiêu đặt ra cũng sẽ đạt được,” đại biểu Nguyễn Chu Hồi nói./.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, QUốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh để bảo đảm yêu cầu “pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả,” Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo, quán triệt, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các các luật, nghị quyết vừa được Kỳ họp thứ 7 thông qua để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn và toàn thể nhân dân; đáp ứng với sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chủ động, khẩn trương chuẩn bị các nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây./.